Câu chuyện Cường Bạo đại vương

Vào thời loạn 12 sứ quân, họ Phùng ở làng Hoa Thạch, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, Châu Ái (Thiệu Hóa, Thanh Hoá) đã hai đời di cư ra Bối Duyến (Vụ Bản, Nam Định) sinh sống, đến đời ông Phùng Văn Cường, lấy bà Nguyễn Thị Duyệt vốn người làng Lãng Tình, huyện Đồng Quan (nay thuộc Đông Hưng, Thái Bình) đã lâu mà vẫn không sinh con. Ông bà dốc sức vào việc tạc tượng, đúc chuông, xây cầu dựng chùa… và làm điều phúc đức. Lúc đó ở trên núi Bảo Đài thuộc huyện Phong Doanh (nay là Ý Yên) có chùa Cực Lạc là một ngôi chùa cổ nổi tiếng. Ông bà Cường biết tin, vội đem tiền gạo đến công đức, thắp nhang làm lễ cầu xin đức Phật ban phúc quả. Lễ song ông bà trở lại nhà. Đêm đó khi ngủ bà mơ thấy có một người cao lớn, đang hoàng mặt mũi khôi ngô, mắt sáng tinh anh, từ trên không trung hạ xuống đứng thẳng trước mặt xưng: Thần là Duy Nhạc thần Tướng, theo lệnh của Thượng đế, thấy ông bà là người phúc đức nên xuống làm con của ông bà.[3] Quả nhiên từ đó bà mang thai. Đến ngày 8 tháng chạp năm Đinh Tị (957), bà sinh được một con trai, mặt mũi khôi ngô, mắt sáng như sao, tiếng như hổ gầm chuông kêu, tướng mạo đường hoàng, đặt tên là Bạo.

Bạo lớn nhanh, thông minh nhanh nhẹn hơn hẳn các bạn trẻ cùng trang lứa và ăn rất khoẻ gấp năm mười lần trẻ khác, bố mẹ nuôi Bạo rất vất vả. Nhưng càng lớn Bạo càng ngang ngược, nghịch ngợm bố mẹ răn dậy không được. Bạo lên tới 9 tuổi thì lần lượt bố mẹ qua đời, chỉ còn lại ông một mình, chuyên nghề ăn trộm. Trong huyện có viên quản mục họ Trương giữ việc tuần phòng. Trương rất gian ác, nhiều lần tìm mưu tính kế hại ông để lập công với quan trên. Một đêm hắn rình mò mãi mới bắt được ông Bạo. Hắn sai người trói ông Bạo lại, bỏ vào một cái rọ lợn khiêng vứt xuống hồ định dìm cho chết, nhưng may nhờ Thổ công giúp ông nhờ thuỷ thần kéo ông lên được. Dân làng khi ngủ đều mơ thấy Thổ công hiện lên bảo: Ông Bạo chính là Duy Nhạc thần tướng giáng sinh, có kẻ muốn làm hại ông Bạo muốn bỏ rọ trôi sông. Muốn sống thì các ngươi mau đi cứu ông Bạo, nếu không nghe thì dân sẽ chết hết không còn một mống. Dân làng Bối La rước ông Bạo về làng, từ đó nghe lời ông, làm theo mọi việc sắp xếp của ông. Ông Bạo chủ chương tách Bối La thành một khu riêng biệt, lo canh tác bảo vệ làng. Dân trong làng được nhờ ân đức của ông.

Quan huyện Thiên Bản dâng sớ tâu với triều đình nhà Đinh về sự mưu trí và dũng cảm của Phùng Cường Bạo. Đinh Tiên Hoàng lại sai sứ thần về tận làng Bối La, truyền lệnh cho Cường Bạo vào triều bệ kiến. Nhà Vua thử tài võ nghệ và trí dũng của ông và cho rằng ông Bạo xứng đáng được nhận quan cao chức trọng ở triều đình, bèn phong chức lưu lại triều đình, nhà vua phong cho ông chức Quan Nội hầu, ban cho áo mũ và 100 hốt vàng, ban đất lộc điền ngay tại quê nhà. Nhà vua khuyên ông từ nay phải cúng giỗ tổ tiên, bố mẹ cho tròn chữ hiếu. Để nhắc nhở ông, nhà vua ban cho bố mẹ mỗi người 10 mẫu ruộng tự, truyền cho dân làng Bối La quê nội và Lãng Tình quê ngoại hàng năm đến ngày giỗ ông bà phải cùng lo ngày tế tự. Nhà vua còn ra lệnh miễn sưu dịch binh lương cho dân sở tại sau này khi ông Bạo qua đời, dân phải lập đền thờ. Nhà vua còn lệnh cho dân làng sở tại phải lập dinh phủ cho ông và truyền lệnh cho dân Bối La cùng quân sĩ mang kiệu cờ, trống linh đình rước ông Bạo về làng.